BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Ngày đăng: 21/05/2021 3,367 lượt xem

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Chính phủ đã có nhiều biện pháp về thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; thực hiện tốt công tác PCCC là đã bảo vệ tính mạng, tài sản; giữ bình yên cho mỗi gia đình và toàn xã hội. 

 

 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 5.354 vụ cháy (trong đó: 2.764 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, cháy rừng và 2.590 vụ sự cố cháy người dân tự dập tắt, thiệt hại không đáng kể). Số vụ cháy lớn 39/5.354 = 0,72%, làm chết 75 người, bị thương 144 người, thiệt hại tài sản 932,023 tỷ đồng và 1.411,7 ha rừng; xảy ra 33 vụ nổ, làm 14 người chết và 40 người bị thương. Đặc biệt xảy ra 39 vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng, chiếm 0,72% tổng số vụ cháy làm chết 03 người, bị thương 08 người, thiệt hại về tài sản ước tính 350,9 tỷ đồng; thiệt hại do cháy lớn gây ra trong năm 2020 chỉ chiếm 37,6% tổng thiệt hại. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, nguyên nhân trực tiếp xảy ra cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện và sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Quý I năm 2021toàn quốc xảy ra 618 vụ cháy (573 vụ cháy dân sự và 45 vụ cháy rừng), làm chết 16 người, bị thương 30 người; về tài sản ước tính thành tiền khoảng 163 tỷ đồng và 2.946,7 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm 05 người chết và 09 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020 số vụ nổ tăng 02 vụ, tăng 25%; ngoài ra trong quý I/2021, toàn quốc xảy ra 1.107 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân, cháy cỏ, rác.

        Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng, ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh; tại các đô thị xuất hiện ngày càng nhiều công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy lớn; điển hình như vụ cháy nhà dân ngày 30/3/2021 tại 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh làm chết 06 người và 01 người bị thương; vụ cháy ngày 25/3/2021 tại hẻm 45 đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 TP. Hồ Chí Minh làm chết 03 người.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương, ngày 04/10/1961, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC; từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC mà kết quả đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và của xã hội. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật PCCC cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2013 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định thi hành một số điều của quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Trong những qua, công tác PCCC của Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc luôn được cấp ủy Đảng, lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể trong Chi cục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm bảo đảm an toàn về con người cũng như tài sản của đơn vị, kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy nổ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để ngăn chặn tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản; các cá nhân, tổ chức và cơ sở kinh doanh cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:

1. Tại nơi ở

a) Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

          b) Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đèn, đốt vàng mã phải có người trông coi.

          c) Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

          d) Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, dùng nước xà phòng để kiểm tra độ kín của bình, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn gas thì khóa ngay van tổng của bình gas; nếu vị trí rò rỉ là ở cổ van hoặc thân bình, dùng xà phòng bánh bịt vào vị trí bị rò rỉ rồi dùng dây cao su buộc chặt và chuyển bình gas ra khu vực trống trải an toàn, xả hết khí gas trong bình. Sau khi xả hết gas, gọi người của đại lý gas đến thu hồi vỏ bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.

đ) Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt.

e) Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị các dụng cụ trữ nước như xô, thùng, vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để phục vụ chữa cháy.

2. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh:

a) Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.

b) Không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn; không đốt nhang, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc;

c) Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn, bảng điện, khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.

d) Không để các chất dễ cháy, nổ như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.

đ) Khi không làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy, mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi ở, nơi làm việc và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại nơi ở, nơi làm việc để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.