Ngày đăng: 18/07/2022 3,470 lượt xem
Ngày 12/7/2022, Đội Thanh tra – An toàn số 2 thuộc Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực I, chủ trì phối hợp cùng Đại diện cảng vụ ĐTNĐ Kinh Môn, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh Hải Dương, Thanh tra Sở GTVT Hải Dương kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ tại khu vực cảng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương theo Văn bản số 1401/CĐTNĐ-PCTTr ngày 29/6/2022 của Cục ĐTNĐ Việt Nam. Đối tượng kiểm tra bao gồm các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu không phép, hết hạn, các phương tiện neo đậu không đúng vị trí để bốc xếp hàng hóa gây mất trật tự ATGT ĐTNĐ trong khu vực Km 24+000 trên tuyến sông Kinh Thầy.
Để bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, tuyên truyền các quy định của pháp Luật về giao thông ĐTNĐ như Nghị định 139/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, Nghị định 08/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ Quy định về quản lý ĐTNĐ… nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong chấp hành quy định pháp luật về giao thông ĐTNĐ tại khu vực Cảng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương. Đặc biệt, những năm gần đây khi Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đi vào hoạt động do nhu cầu cần nhiều than để cung cấp cho hoạt động của Nhà máy nên hàng ngày có nhiều phương tiện neo đậu để chờ bốc hàng hóa, nguyên vật liệu than vào Cảng, tập trung nhiều nhất những lúc trời mưa không thuận lợi cho việc bốc than lên cảng. Tuy nhiên, theo Quyết định công bố vùng nước của Cảng có chiều dài là 577m, chiều rộng là 31m, chỉ đủ đáp ứng cho khoảng từ 8-10 đoàn tầu neo đậu để bốc xếp hàng hóa vào Cảng. Những phương tiện khác chờ bốc xếp vào Cảng không có nơi neo đậu, hơn nữa do tuyến sông Kinh Thầy nằm trên tuyến vận tải quan trọng từ Hải Phòng, Quảng Ninh đi Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ.. nên lưu lượng vận tải qua đây là tương đối cao dẫn đến tình trạng tiền ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT ĐTNĐ.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn tiến hành kiểm tra, lập biên bản làm việc với 02 đoàn tầu đẩy, đang neo đậu ra ngoài phạm vi vùng nước của Cảng. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra xử lý vi phạm đối với các phương tiện neo đậu để bốc xếp hàng hóa không phải vùng nước của Cảng, bến thủy nội địa gặp nhiều khó khăn do trong khu vực trên chưa có vị trí vùng nước được công bố để neo đậu phương tiện chờ bốc xếp hàng hóa nên phương tiện không biết di chuyến đến vị trí nào cho đúng. Chính vì nguyên nhân như trên, mong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm khảo sát, cấp phép vị trí đảm bảo theo quy định để các phương tiện có nơi neo đậu cố định trong thời gian chờ bốc hàng vào Cảng. Có như vậy mới giải quyết được những gốc rễ của vấn đề và lập lại trật tự ATGT ĐTNĐ trong khu vực trên.
Ảnh: Đoàn kiểm tra trên phương tiện QN-4360
Đoàn cũng tiến hành kiểm tra đối với bến thủy nội địa của Công ty CP Đông Hải 27/7, tại khu vực Km 22+800, bờ trái sông Kinh Thầy thuộc xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tại thời điểm kiểm tra bến không có phương tiện neo đậu để bốc xếp hàng hóa lên bến, trên bến không có hàng hóa. Đoàn tiến hành làm việc cùng ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc của Công ty. Ông Tùng cho biết, đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy phép hoạt động của bến thủy nội địa. Đơn vị rất mong muốn được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để hoạt động lâu dài, đúng quy định. Tuy nhiên việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa gặp rất nhiều khó khăn, cần rất nhiều thủ tục liên quan đến nhiều Sở, Ban ngành có liên quan. Nhiều việc vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng…nên rất mong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Hướng dẫn, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục cấp phép hoạt động cho Công ty.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng như trên cả nước. Được biết trong thời gian vừa qua để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở GTVT TP HCM đề nghị UBND TP kiến nghị Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn trình tự, thủ tục công bố đối với việc mở bến thủy nội địa tạm thời đối với 17 bến trong thời gian 1 năm. Đây có thể là giải pháp tạm thời, để giải quyết được tận gốc vấn đề các cơ quan, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, đưa ra các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính để việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa được thuận lợi và đúng các quy định của pháp Luật.
Trong những năm qua, Đội Thanh tra – An toàn số 2 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại tỉnh Hải Dương kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính với 74 bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn. Tổng số tiền xử phạt nộp kho bạc Nhà nước gần 600 triệu đồng. Ngoài ra các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh Hải Dương cũng kiểm tra xử phạt VPHC đối với các chủ bến thủy nội địa hoạt động không phép, hết hạn và các hoạt động có liên quan đến môi trường, đất đai …nộp kho bạc Nhà nước hàng tỷ đồng./.
Tin và ảnh: Khanh Trịnh
04/12/2024 (55 lượt xem)
17/10/2024 (58 lượt xem)
18/09/2024 (118 lượt xem)
09/05/2024 (497 lượt xem)
23/04/2024 (424 lượt xem)