Lo ngại đò ngang bất chấp “lệnh” đình chỉ vẫn hoạt động

Ngày đăng: 16/11/2017 806 lượt xem

Chính quyền cấp xã nhiều nơi vẫn xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn đò ngang, thậm chí cho đấu thầu khai thác bến, mang tính chất khoán trắng cho chủ bến, chủ đò.

13

Chính quyền cấp xã nhiều nơi vẫn xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn đò ngang (Ảnh minh họa)

Những nỗ lực của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam những năm gần đây đã giúp hoạt động vận tải khách ngang sông có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên thực trạng buông lỏng quản lý của chính quyền cấp cơ sở khiến nhiều bến vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho khách qua đò.

Lập hồ sơ, "canh" bến trọng điểm

Thực tế cùng Đội Thanh tra - an toàn số 2 (trực thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) kiểm tra bến khách ngang sông (đò ngang) trên sông Hồng mới đây, PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh bến đò Phù Sa (xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên) dù đã bị đình chỉ hoạt động nhưng chiếc phà của bến này vẫn chở ô tô, xe máy qua sông. Chủ bến bị lập biên bản vi phạm và xử phạt 7,5 triệu đồng.

Ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 cho biết, phương tiện, người lái, giấy phép kinh doanh của bến đủ điều kiện để hoạt động, nhưng hạ tầng bến không đảm bảo nên đã bị Sở GTVT Hưng Yên đình chỉ hoạt động từ ngày 25/8. Ông Phạm Đăng Mạnh, chủ bến đò than thở: Gia đình nhận thầu khai thác bến đò từ ngày 1/1/2017 và đã phải trả hơn 4 tỷ đồng cho chính quyền xã để được khai thác trong 5 năm. Có điều, cũng đúng ngày được khai thác bến đò thì giấy phép bến... hết hạn hoạt động.

Tính đến hết năm 2016, toàn quốc có 2.531 bến khách ngang sông, trong đó hơn 18% (468 bến) hoạt động không phép. Số bến hoạt động không phép trên các tuyến đường thủy địa phương là 377 bến, 91 bến trên tuyến đường thủy quốc gia.

"Sở GTVT địa phương yêu cầu phải cải tạo, nâng cấp, nhưng nếu gia đình phải bỏ thêm 1-2 tỷ đồng chắc... sạt nghiệp", ông Mạnh nói.

Về phía chính quyền xã, ông Dương Văn Suất, Chủ tịch UBND xã Đại Tập cho biết, trong hợp đồng với người nhận thầu đã quy định trách nhiệm thuộc về chủ bến, nên xã cũng chỉ đồng ý chủ trương nâng cấp bến, còn chưa có hướng dùng ngân sách xã để nâng cấp bến hay cho người nhận thầu tự bỏ tiền nâng cấp rồi bù lại bằng kéo dài thời gian khai thác bến đò.

Ông Trần Văn Khiết cho biết, dù thấu hiểu hoàn cảnh của bến đò, nhưng vẫn phải xử phạt, yêu cầu bến dừng hoạt động. "Lực lượng thanh tra không thể canh 24/24h tại bến, khi không có lực lượng chức năng, phương tiện của bến sẽ vẫn chở khách. Nếu ngành chức năng, chính quyền địa phương không sớm tháo gỡ, tồn tại của bến đò trên sẽ kéo dài không biết đến bao giờ và ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách", ông Khiết nói.

Theo Đội Thanh tra - an toàn số 2, những trường hợp bến đò bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động như trường hợp bến Phù Sa không phải cá biệt. Mới đây, hai bến khác trên sông Hồng qua huyện Đan Phượng, Hà Nội cũng đã bị lực lượng chức năng địa phương ra quyết định đình chỉ hoạt động, nhưng vẫn hoạt động.

Nhiều xã đấu thầu "khoán trắng" cho chủ đò

Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, trên các tuyến đường thủy quốc gia phía Bắc hiện có 526 bến khách ngang sông, trong đó có 445 bến đã được cấp phép hoạt động (chiếm 85%), 81 bến chưa được cấp phép và hết hạn hoạt động (chiếm 15%). Phần lớn hạ tầng các bến dựa vào điều kiện tự nhiên của sông, kênh, ít được quan tâm đầu tư xây dựng nhất đường, cầu dẫn lên xuống, hệ thống neo, chống va và bến cập tàu.

Trong khi đó, chính quyền cấp xã ở nhiều địa phương "quên" vai trò, trách nhiệm của mình. Thậm chí, có chính quyền xã sau khi tổ chức đấu thầu khai thác bến đò đã phó mặc việc bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác cho người trúng thầu, lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Nhiều chính quyền cấp xã cho đấu thầu khai thác bến, mang tính chất khoán trắng cho chủ bến, chủ đò. Trong khi đó, các chủ bến, chủ đò thường lấy mục tiêu thu lợi là chính. Mặt khác, do thời gian trúng thầu khai thác bến thường ngắn, phổ biến khoảng 1 năm, nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bến bãi, phương tiện và việc bảo đảm người điều khiển phương tiện có chứng chỉ chuyên môn không được chú trọng", ông Vũ Trọng Sơn, Trưởng phòng Pháp chế, Chi cục ĐTNĐ phía Bắc nêu lên thực trạng.

Cũng theo ông Sơn, Khoản 6, Điều 69 của Luật Giao thông ĐTNĐ quy định trách nhiệm quản lý bến khách ngang sông thuộc về chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, thực tế phổ biến là công tác quản lý hoạt động khai thác bến khách ngang sông của chính quyền ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. "Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa xử lý kiên quyết, kịp thời các vi phạm, nhất là cưỡng chế thi hành đối với những trường hợp bị đình chỉ hoạt động", ông Sơn cho biết thêm.

Hồng Xiêm (Báo Giao thông)