Nguy hiểm hàng loạt nhà hàng nổi vô chủ trên sông Hồng

Ngày đăng: 05/08/2019 5,947 lượt xem

Sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội có gần chục nhà hàng, quán ăn nổi trên sông không đủ điều kiện an toàn để hoạt động.

 

 

Nhiều lần đến “biệt phủ” nổi này, lực lượng thanh tra không gặp ai

 

“Biệt phủ” bỏ không

Ngày 29/7, PV Báo Giao thông trực tiếp cùng Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cập xuồng vào nhà hàng nổi trên sông Hồng, đoạn gần bến Chương Dương (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi nhà nổi này 2 tầng, rộng khoảng 300m2, giống như “biệt phủ” trên sông, với khá nhiều đồ đạc, bàn ghế sử dụng trong nhà hàng, có cả các chậu cây cảnh, không gian vui chơi ngoài trời.

Có điều “biệt phủ” này từ lâu không còn hoạt động, không có người ở và chỉ neo đậu cố định ven sông. Đại diện Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 cho biết, nhà nổi này có số đăng ký HN-0683 mang tên ông Trần Bảo Ngọc (phường Chương Dương), giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn từ năm 2013.

Tháng 7/2019, lực lượng thanh tra phối hợp với cảng vụ đường thủy, công an phường sở tại từng đến kiểm tra nhà hàng nổi này nhưng cũng không thấy có người ở, không xác định được chủ phương tiện.

“Công an phường cũng nhiều lần liên hệ với gia đình chủ phương tiện nhưng không được. Phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, nhưng xác định vị trí cho thấy phương tiện bỏ không, tại vị trí neo đậu không có báo hiệu cấm phương tiện neo đậu, không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nên chưa biết giải quyết thế nào”, đại diện Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 cho biết.

Cách đó vài trăm mét, nhà hàng nổi 2 tầng Trường Thành có số đăng ký HN-1715 cũng nằm sát mép sông thuộc địa bàn phường Chương Dương và đang hoạt động, song giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn từ cuối năm 2018. Theo Chi cục Đăng kiểm số 1, chủ nhà nổi này đã đề nghị được đăng kiểm, song chưa thực hiện do phải đưa phương tiện lên đà để kiểm tra an toàn kỹ thuật phần đáy chìm hoặc phải thuê thợ lặn xuống dùng máy ghi hình để kiểm tra.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm không có chứng nhận đăng kiểm, đại diện Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 cho biết, qua dùng máy định vị chuyên ngành xác định nhà nổi trên không nằm trên phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy, không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Vì vậy, đơn vị này đã đề nghị chính quyền địa phương phối hợp giám sát, quản lý.

Xử lý cách nào?

 

 

Nha hàng nổi Bếp Ngư Ông đã tháo biển nhà hàng nhưng vẫn neo đậu trái phép, trong khi lực lượng chức năng đường thủy không thể xử phạt

 

Khảo sát của PV, phía bờ phải sông Hồng đoạn gần cầu Long Biên cũng có nhiều nhà hàng, nhà nổi khác đang neo đậu. Một số nhà nổi thi thoảng hoạt động kinh doanh, kết hợp nuôi thủy sản.

Từ Km 183+600 - Km 183+800 còn hai nhà hàng nổi khác (kèm các kết cấu nổi nhỏ xung quanh) là Sông Hồng View, Phương Linh nằm khá gần phạm vi đi lại của phương tiện thủy. Các trường hợp này đều không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm phương tiện và không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước đối với vùng nước được phép neo đậu.

Đáng lưu ý, các trường hợp trên đều có khả năng ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Đầu tháng 7/2019, lực lượng liên ngành thanh tra, cảnh sát đường thủy đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, yêu cầu di dời khỏi phạm vi luồng. Tuy nhiên, thời điểm này các trường hợp trên vẫn “án binh bất động”, trong khi lực lượng chức năng không xử phạt vi phạm hành chính được trường hợp nào.

“Qua kiểm tra bằng thiết bị định vị GPS, các nhà hàng nổi trên nằm sát kè thủy lợi, ngoài hành lang bảo vệ luồng chạy tàu nên thiếu căn cứ để xử phạt hành vi không đăng ký, đăng kiểm. Mặt khác, các nhà nổi trên đều đóng không có hồ sơ thiết kế, nên xảy ra trường hợp di chuyển sang hành lang bảo vệ luồng cũng không có cơ sở để xác định kích cỡ, trọng tải phương tiện để áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 132/2015 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đường thủy”, ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 nói, đồng thời cho biết, đơn vị đăng kiểm thủy cũng từ chối tham gia xác định kích cỡ, trọng tải phương tiện.

Ông Lê Hồng Tiến, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 cho biết, vừa qua đơn vị không cử đăng kiểm viên tham gia xác định kích thước, trọng tải nhà nổi bởi chức năng của đăng kiểm chỉ kiểm tra, đánh giá dựa trên căn cứ hồ sơ thiết kế phương tiện để đánh giá an toàn hay không. Còn phương tiện không có hồ sơ thiết kế, việc xác định kích thước, trọng tải phương tiện để làm cơ sở xử phạt phải do giám định viên thực hiện.